Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Tây Vương Mẫu
chim xanh 𪀄撑
dt. <Đạo> dịch chữ thanh điểu 青鳥, chim sứ của Tây Vương Mẫu. Dỉ sứ chim xanh đừng chốc lối, bù trì đã có khí hồng quân. (Đào hoa thi 228.3). x. thanh điểu, Phương Sóc, Vương Mẫu.
Dao Trì 瑤池
dt. <Đạo> nơi ở của Tây Vương Mẫu trên núi Côn Lôn. Sử Ký phần Đại uyển liệt truyện luận có đoạn: “Côn Lôn cao hơn hai ngàn năm trăm dặm, nơi nhật nguyệt cùng ngơi nghỉ mà giấu sáng. Trên đó có lễ tuyền và Dao Trì.” (崑崙其高二千五百餘里,日月所相避隱為光明也。其上有醴泉、瑤池). mục thiên tử truyện có đoạn: “Năm ất sửu, thiên tử dâng rượu cho Tây Vương Mẫu ở trên Dao Trì.” (乙丑,天子觴西王母於瑤池之上). Yến thửa Dao Trì đà có hẹn, chớ cho Phương Sóc đến lân la. (Đào hoa thi 231.3).
Phương Sóc 方朔
dt. đc. tức Đông Phương Sóc (154 tcn-93 tcn), họ trương, tự là mạn thiến, là một tác gia lớn đời Hán, tính vốn hài hước, ăn nói lưu loát, thường pha trò trước mặt vua, nhưng lại trực ngôn can gián. Sau ông trở thành một nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa với tích Đông Phương Sóc thâu đào. Sách Hán Vũ Cố Sự ghi: ngày lễ thọ hán vũ đế, trước cung điện có ba con chim xanh từ trên trời bay xuống, vũ đế không biết là chim gì. Đông Phương Sóc mới bảo: ‘đó là ba con thanh loan của Tây Vương Mẫu, Vương Mẫu chắc sắp đến giờ.’ quả nhiên Vương Mẫu đến tặng đào tiên mừng thọ vua. Vua định lấy hạt trồng, thì Vương Mẫu bảo: ‘loại đào này ba ngàn năm mới ra quả, chỗ này đất xấu, trồng không được’. Đoạn quay sang trỏ Phương Sóc nói: ‘hắn đã ba lần ăn trộm đào tiên của ta rồi đấy’’. Truyền thuyết sau còn cho rằng Đông Phương Sóc vì ăn đào mà sống một vạn tám ngàn tuổi, nên được coi là Thọ Tinh (ông Thọ). Yến thửa Dao Trì đà có hẹn, chớ cho Phương Sóc đến lân la. (Đào hoa thi 231.4, 232.1).
thanh đồng 青童
dt. tiên đồng của Tây Vương Mẫu, chuyên làm sứ giả đi báo tin. Tăng tháo đời Tống trong sách Tập Tiên Truyện phần Đại mao quân ghi: “Năm nguyên thọ thứ hai đời Hán, tháng tám ngày kỷ dậu, Nam Nhạc chân nhân xích quân, tây thành vương quân và các thanh đồng cùng từ Vương Mẫu giáng hạ xuống nhà doanh.” (漢元寿二年,八月己酉, 南岳真人赤君、西城王君及諸青童并從王母降於盈室). Mới trách thanh đồng tin diễn đến, bởi chưng hệ chúa đông quân. (Tích cảnh thi 210.3)‖ (Thái cầu 253.1).
Vương Mẫu 王母
dt. tức Tây Vương Mẫu, hay Vương Mẫu nương nương, Dao Trì Kim Mẫu, là vị nữ thần trong truyền thuyết Trung Quốc. Tương truyền Vương Mẫu sống ở cung Dao Trì núi Côn Lôn, trong vườn của bà có trồng bàn đào là giống đào tiên, ăn vào trẻ mãi không già. Có ai ướm hỏi tiên Vương Mẫu, tin khá tin, thì ngờ khá ngờ. (Đào hoa thi 232.3).
Đông Hoa 東華
◎ Nôm: 東花 Xét, viết chữ 花 là do kỵ huý thời Nguyễn [NĐ Thọ 1997: 142].
dt. địa danh, theo truyền thuyết là tên gọi tắt của Đông Hoa Đế Quân, tức ông tiên Đông Vương Công, hay Đông Hoàng Công. Sách Ngô Việt Xuân Thu ghi: “Dựng Đông giao để tế mặt trời, tên là Đông Hoàng Công; lập Tây giao để tế mặt trăng, gọi là Tây Vương Mẫu” (立東郊以祭陽,名曰東皇公; 立西郊以祭陰,名曰西王母). Từ đời Minh, các cơ quan trung ương đều được đặt trong cửa Đông Hoa ở kinh thành, nên vì thế được dùng để trỏ các quan trung ương, sau trỏ triều đình nói chung. Thành Thăng Long từ thời lê cũng đã có cửa Đông Hoa. Cố đô huế cũng có cửa này, sau kị huý nên đổi thành Đông Ba [NĐ Thọ 1997: 142]. Mấy thu áo khách nhuốm hơi dầm, bén phải Đông Hoa bụi bụi xâm. (Tự thuật 119.2). Hai câu này mang ý “đã mấy năm nay làm khách xa nhà, cái áo phải dầm mưa dãi gió, lại thêm bén bụi bặm của chốn kinh đô phồn hoa đô hội” (chuyển dẫn ĐDA).